Hoàng hậu vô sủng Vương_Chính_Quân

Năm Hoàng Long nguyên niên (49 TCN), Hán Tuyên Đế băng hà. Thái tử Lưu Thích lên nối ngôi, tức là Hán Nguyên Đế. Con trai của Vương Chính Quân là Hoàng trưởng tử Lưu Ngao được lập làm Hoàng thái tử, mẹ của Thái tử là Vương Chính Quân được phong làm Tiệp dư, liền 3 ngày sau thì được lập làm Hoàng hậu. Cha của Hoàng hậu là Vương Cấm được phong Dương Bình hầu (阳平侯), em trai Cấm là Vương Hoằng (王弘) làm đến Trường Lạc vệ úy (长乐卫尉). Sau đó Vương Cấm chết, thụy "Khoảnh hầu" (顷侯), con trai Vương Phượng tập tước, làm đến Thị trung[13].

Vương Chính Quân từ khi làm Hoàng hậu, không còn được Hán Nguyên Đế sủng ái, cho nên Nguyên Đế cũng tỏ ra không thích Thái tử. Bên cạnh Vương Hoàng hậu, Nguyên Đế còn sủng ái Phó tiệp dưPhùng tiệp dư, cả hai người này mỗi người đều sinh hạ được hoàng tử; là Lưu KhangLưu Hưng. Khi Thái tử Lưu Ngao càng trưởng thành, dần yêu thích yến tiệc ngoạn nhạc, Hán Nguyên Đế càng không hài lòng với tác phong của Thái tử và ấn tượng với hoàng tử Lưu Khang hơn[14].

Năm Kiến Chiêu thứ 4 (35 TCN), em trai út của Nguyên Đế là Trung Sơn vương Lưu Cánh mất, thế nhưng Thái tử Lưu Ngao không thể hiện sự đau buồn nào. Trong khi đó, Lưu Cánh cùng Thái tử cùng tuổi và đã chơi cùng nhau từ thuở còn nhỏ, điều này khiến Nguyên Đế thất vọng với Thái tử, nói:「"Nào có người không có nhân hiếu mà có thể phụng sự tông miếu, là cha mẹ của trăm họ chứ?!"」. Cận thần Sử Đan (史丹) vốn là hầu cận Hán Nguyên Đế, lập tức bỏ mũ xuống, dập đầu nói:「"Thần đích xác thấy bệ hạ bi thương Trung Sơn vương, bởi vì thương cảm mà thương thân. Buổi sáng Thái tử chuẩn bị tiến kiến, thần tự mình dặn dò đừng khóc, để tránh bệ hạ thương cảm. Tội ở thần hạ, đáng chết"」. Hán Nguyên Đế nghe như vậy mới không tức giận nữa[15].

Năm Cảnh Ninh nguyên niên (33 TCN), Hán Nguyên Đế ngã bệnh. Phó Chiêu nghi cùng Lưu Khang hết lòng bên cạnh hầu thuốc thang, trong khi Hoàng hậu và Thái tử không thường xuyên ghé thăm ông. Nhân cơ hội đó, Phó chiêu nghi cố thuyết phục Nguyên Đế thay ngôi Thái tử, trao về cho Lưu Khang, Hán Nguyên Đế trong cơn bệnh cũng có ý như vậy. Khi ấy, anh của Vương Hoàng hậu là Vương Phượng đang nhậm chức Thị trung biết được, cùng Hoàng hậu và Thái tử ưu sầu, không biết làm sao. Một lần nữa, đại thần Sử Đan lại cản trở, xông thẳng vào phòng ngủ, khóc mà nói:「"Hoàng thái tử là Đích trưởng tử, tính đến nay hơn 10 năm ở Đông Cung, danh vọng không ai không biết, thiên hạ đều tin tưởng ngài. Nay Định Đào vương được sủng hạnh, lời đồn truyền xa, Thái tử ngày đêm lo lắng, tâm tư dao động. Nếu quả thực như vậy, các Công khanh tất sẽ lấy cái chết để can gián. Thần cũng xin được bệ hạ ban chết để chúng quần thần noi theo!"」. Hán Nguyên Đế vốn nhân từ, thấy Sử Đan khóc lóc thì đành không nỡ, bèn nói:「"Ta từng ngày càng suy yếu, mà Thái tử cùng hai Vương đều còn nhỏ, tâm ta vẫn còn quyến luyến lắm nên đều giữ bên mình vậy thôi. Còn chuyện kia, khanh chớ lo. Hoàng hậu cẩn trọng, Thái tử được Tiên Đế yêu thích, ta nào dám trái ý?! Lời nói vô căn cứ kia là khanh nghe được ở đâu?"」. Sử Đan nghe thế bèn lui ra sau dập tội, Hán Nguyên Đế bèn xá tội, chỉ dụ Sử Đan trở thành phụ chính đại thần. Ngôi Thái tử của Lưu Ngao do đó được giữ[16].